Chủ Nhật, 11 tháng 9, 2016

Nạn nhân thiệt mạng sau 15 năm 'thảm họa tháp đôi 11/9'

Các tình nguyện viên làm việc tại Ground Zero sau vụ tấn công 11/9.Các tình nguyện viên làm việc tại Ground Zero sau vụ tấn công 11/9.

Goodwin (39 tuổi) là một trong số hàng chục ngàn người có mặt tại Khu vực số 0 (Ground Zero) ngay sau vụ tấn công khủng bố chấn động nước Mỹ xảy ra ngày 11/9/2001. Khi đó, anh là một nhân viên y tế và đã đi từ Tampa đến New York để làm tình nguyện.

Goodwin cùng rất nhiều tình nguyện viên khác dành hàng giờ làm việc cực nhọc tại hiện trường vụ khủng bố Trung tâm Thương mại Thế giới, nơi mà những làn khí độc và khói bụi đã khiến nhiều người phải sống khổ sở vì bệnh tật suốt nhiều năm sau, hoặc thậm chí đã chết. Giờ đây, phối của Goodwin đang suy giảm chức năng trầm trọng. Bác sĩ nói rằng anh sẽ chỉ còn có thể sống thêm khoảng 1 đến 7 năm. “Tôi thậm chí còn chưa được 40 tuổi”, Goodwin nói trong đau đớn.

Ông Arthur Noonan – cựu nhân viên cứu hoả Chicago, người đã đến New York tham gia cứu hộ tại Ground Zero hiện đang phải chống chọi với căn bệnh ung thư bạch cầu. Ông không thể nào quên được cảnh tượng và bầu không khí ô nhiễm kinh hoàng tại Khu vực số 0: “Tất cả mọi thứ gần như bị nghiền thành bột, cháy thành tro, khiến bạn tắc thở gần như ngay lập tức.”

Giờ đây, ông Noonan chỉ ước có thêm vài năm để sống và nhìn 8 đứa cháu của ông lập gia đình, sinh con. “Căn bệnh của tôi như một quả bom chờ nổ vậy”, ông nói.

Bác sĩ Michael Crane hiện là người phụ trách chương trình chăm sóc y tế WTC (Word Trade Center) dành cho những người ảnh hưởng bởi sự kiện 11/9. Ông cho biết: ngoài những người hiện đang sống tại New York, còn có 9.500 người khác đến từ khắp nước Mỹ đã và đang phải chịu những căn bệnh có nguyên nhân xuất phát từ vụ khủng bố.

Các bác sĩ ở Ohio hay California từng tiếp nhận một số bệnh nhân mắc bệnh đường hô hấp nhưng không hề hay biết rằng nguyên nhân khiến mình bị bệnh xuất phát từ công việc mà mình làm cách đây 15 năm. Nhiều người từ các nơi khác đặt chân đến Ground Zero trong tuần đầu tiên, thậm chí là tháng đầu tiên sau vụ khủng bố đều đã trở về nhà với mầm bệnh trong người.

Theo ông Crane, số lượng tình nguyện viên, nhân viên cứu hộ… có mặt tại Ground Zero sau vụ tấn công là khoảng 90.000 người. Và hiện có 65.000 người đang được theo dõi sức khoẻ bởi chương trình chăm sóc y tế WTC. Hơn 5.000 người trong số đó đang mắc ung thư với tỉ lệ khoảng 40% là ung thư đường hô hấp và tiêu hoá. Bởi trong bầu không khí tại Ground Zero có chứa bụi Amiăng. Loại bụi này có thể gây nên các vấn đề về phổi, nặng hơn là ung thư.

Những người tham gia chương trình chăm sóc y tế này ngoài việc được các bác sĩ theo dõi chặt chẽ về sức khoẻ, còn được nhận một khoản bồi thường từ quỹ James Zadroga (tên quỹ được đặt theo một thám tử mắc bệnh chết người sau khi làm việc tại khu Ground Zero). Hồi tháng 12 năm ngoái, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã ký một đạo luật thông qua việc tiếp tục tài trợ cho quỹ này đến năm 2090.

Ngoài các căn bệnh về thể chất, không ít người còn mắc phải các chứng bệnh về tâm thần. Một số người vẫn thường xuyên gặp ác mộng hoặc lo lắng thái quá về vấn đề khủng bố. Số người bị trầm cảm sau khi phải chứng kiến cảnh tượng kinh hoàng ở Ground Zero cũng cao không kém số cựu chiến binh bị trầm cảm sau khi trở về từ chiến trường.

Trở lại câu chuyện của Goodwin. Đây sẽ là mùa hè cuối cùng anh được sống trong ngôi nhà của mình ở Tampa, bởi bác sĩ nói không khí nơi đây quá ẩm, sẽ khiến cho phổi của anh ngày càng yếu đi. Thay vì ở yên một chỗ, Goodwin sẽ đi khắp nơi và hoàn thành những việc mà mình mong muốn được làm một lần trong đời trước khi chết. Trong đó có việc quay trở lại Ground Zero vào lần tưởng niệm thứ 15.

Anh dự định sẽ đi bộ quanh khu vực này, và bày tỏ lòng kính trọng trước đài tưởng niệm dành riêng cho những người qua đời do các di chứng để lại của ngày 11/9.

“Tôi có thể sẽ không có cơ hội làm việc này vào năm sau”, Goodwin nói.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét